7 11-2020

Đạt chuẩn công trình xanh cùng hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái


Những năm trở lại đây, ý thức chung tay bảo vệ môi trường, cùng thể hiện trách nhiệm cộng đồng ngày càng được các doanh nghiệp quan tâm phát huy. Trong đó, phấn đầu đạt chứng nhận “công trình xanh” được nhiều doanh nghiệp ưu tiên thực hiện, khi lợi ích mà nó mang lại không chỉ dừng ở danh tiếng của doanh nghiệp mà còn là những giá trị thực tiễn mà doanh nghiệp thụ hưởng.

Hiệu quả năng lượng – Tiêu chí quan trọng trong xét chọn công trình xanh

Năm 2008, tòa nhà văn phòng Unilever TP HCM trở thành công trình đầu tiên tại Việt Nam được thiết kế theo tiêu chuẩn công trình xanh Green Star (Úc). 2 năm sau, nhà máy Colgate – Palmolive Bình Dương được cấp giấy chứng nhận LEED (Mỹ), hệ thống đánh giá công trình xanh phổ biến nhất thế giới.

Tòa nhà văn phòng Homebase Unilever TP.HCM – Dự án đầu tiên đạt chứng nhận công trình xanh ở Việt Nam

Việc đạt những chứng chỉ này là sự bảo chứng cho giá trị của công trình, chứng minh công trình đạt hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng và vật liệu, hạn chế tối đa tác động xấu tới môi trường.

Ở Việt Nam hiện đang lưu hành nhiều bộ quy chuẩn đánh giá và xếp loại công trình xanh khác nhau. Tuy nhiên, tất cả đều dựa trên 3 tiêu chí cơ bản: Hiệu quả sử dụng năng lượng, hiệu quả sử dụng nước, hiệu quả sử dụng vật liệu xây dựng. Trong đó, hiệu quả sử dụng năng lượng thường có số điểm cao nhất. Tiêu biểu có thể nhìn thấy ở 2 chứng nhận công trình xanh phổ biến nhất Việt Nam hiện nay, là LEED với hiệu quả về năng lượng chiếm 29% tổng số điểm và 33% đối với bộ tiêu chuẩn Lotus (hệ thống được thiết kế dành riêng cho các công trình ở Việt Nam).

Năng lượng tái tạo – Xu thế phát triển công trình xanh

Để khuyến khích giảm thiểu tối đa việc tiêu hao năng lượng, các bộ quy chuẩn tính điểm dựa trên việc tận dụng ánh sáng tự nhiên, sử dụng vật liệu cách nhiệt, năng lượng tái tạo. Trong đó, sử dụng sử dụng năng lượng tái tạo được xem là xu thế. Thang điểm dành cho tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo khi xét chọn công trình xanh nhờ đó cũng dần thay đổi, theo xu hướng ngày càng tăng.

Trong các phiên bản điều chỉnh của Hội đồng Công trình xanh Mỹ – đơn vị cấp chứng nhận LEED, phần trăm sử dụng năng lượng tái tạo càng lớn thì càng có cơ hội nhận được điểm số tối đa ở hạng mục này. Sự thay đổi đó tạo ra chuyển biến tích cực trong chính tư duy của các doanh nghiệp tại Việt Nam. Điều này có thể thấy ở sự gia tăng số lượng công trình xanh sử dụng nguồn năng lượng thân thiện với môi trường. Mà lựa chọn phổ biến nhất chính là năng lượng mặt trời, với hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái.

Điển hình có thể kể đến nhà máy Việt Long Hưng thuộc Công ty CP May Việt Tiến (LEED Platinum) đã giảm mức tiêu thụ năng lượng tới 25%. Có kết quả này, ngoài việc sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường thì không thể thiếu sự “góp sức” của năng lượng tái tạo, cụ thể hơn là 1,1 MWp hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái đã được lắp đặt và vận hành bởi TTC Energy. Bên cạnh đó, việc sử dụng điện của hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái còn giúp giảm phát thải trung bình 1 ngàn tấn CO2/ năm.

Không phải ngẫu nhiên năng lượng là tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất mà các bộ chứng chỉ công trình xanh xét đến. Theo các nghiên cứu trên thế giới, lượng khí thải carbon từ các công trình xây dựng chiếm gần 40% tổng lượng khí thải carbon – nguyên nhân chính gây hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu và cũng sử dụng khoảng 40% tổng năng lượng quốc gia. Điều đó có nghĩa rằng, tiết giảm được lượng năng lượng sử dụng tại mỗi công trình sẽ góp phần giảm mức thải khí carbon, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trước tình trạng nguồn điện dự phòng đang có nguy cơ cạn kiệt.

Khi mỗi kWp hệ thống điện năng lượng mặt trời được vận hành hiệu quả sẽ giúp giảm phát thải trung bình 1 tấn CO2/ năm, thì càng nhiều công trình phấn đấu đạt chuẩn công trình xanh sẽ càng có nhiều tấn khí CO2 không còn được thải ra môi trường. Từ đó cho thấy, giá trị của những công trình xanh không còn gói gọn trong phạm vi của một tòa nhà, một địa điểm, mà đã có tác động tích cực ra ngoài cộng đồng, đóng góp các chỉ số quan trọng vào việc xây dựng không gian sống xanh, đô thị xanh và phát triển bền vững.

Hiểu được lợi ích bền vững mà các công trình xanh mang lại cho xã hội và môi trường, để không ngừng gia tăng tỷ lệ các công trình đạt chuẩn công trình xanh, TTC Energy đã và đang đồng hành cùng các doanh nghiệp, đưa thêm nhiều hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái và hoạt động, với nhiều hình thức đầu tư khác nhau, thuận tiện cho doanh nghiệp lựa chọn.

Và có lẽ không giải pháp nào hữu hiệu hơn việc “tăng nguồn cung cấp các dự án năng lượng tái tạo, giảm thiểu CO2”, như chính nhận định của Hội đồng Công trình xanh Mỹ đã thể hiện trên website của mình.

Tag